Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại họp báo. Ảnh: Đức Minh

 

Nhiều thủ đoạn gian lận mới bị phát hiện

 

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2020.

 

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm; nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá.

 

Trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 bùng phát, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành thị trường cũng như bảo đảm các chính sách an sinh xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, hàng không rõ xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng... Trong đó, siết chặt kiểm soát hàng thiết bị y tế phòng chống dịch.

 

Mới đây nhất, ngày 21/8/2020, Bộ đội Biên phòng và Hải quan Cao Bằng phát hiện và thu giữ gần 700.000 chiếc khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ. Cũng trong tháng 8/2020, lực lượng Công an tại TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 2 vụ sản xuất số lượng lớn găng tay y tế giả nhãn hiệu các công ty có uy tín, tổng trị giá hàng hóa ước tính hơn 20 tỷ đồng.

 

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thông tin thêm, tình trạng buôn lậu diễn ra phức tạp tại tất cả các tuyến biên giới. Điển hình như tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên với các mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em... Đặc biệt, vận chuyển ma túy có sự chuyển dịch và gia tăng tại biên giới Việt Nam - Lào. Gần nhất, vào tháng 9/2020 tại Hà Tĩnh, lực lượng Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng triệt phá thành công Chuyên án A3-220 phát hiện, thu giữ 237,15 kg ma túy các loại. Ngoài ra, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về Việt Nam theo đường bộ, sau đó cất giấu, ngụy trang ma túy trong hàng hóa xuất khẩu để chuyển đi nước thứ ba theo đường biển, với số lượng lớn. Trong tháng 7/2020 tại TP.Hồ Chí Minh, các lực lượng thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan đã phối hợp, mở rộng triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép 164kg ma túy các loại, 19 bánh heroin...

 

Tại các tuyến biên giới Tây Nam, các đối tượng lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mặt hàng chủ yếu là hàng đã qua sử dụng, đường cát, thuốc lá điếu,..

 

Trong khi đó, trên tuyến hàng không, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,... Trên tuyến biển, cảng biển, địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai thì mặt hàng buôn lậu chủ yếu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh...

 

Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã phanh phui nhiều thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Đơn cử như hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ, chỉ thực hiện công đoạn gia công sản xuất, lắp ráp đơn giản nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì sản phẩm in dòng chữ “Made in Vietnam”; trà trộn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam…

 

Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi câu kết với cơ quan, tổ chức trong nước để phát hành trái phép Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa. Điển hình vụ Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện cấp tổng số 392 C/O cho 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trên 600 tỷ đồng để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài.

 

Ngoài ra, các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng tiếp tục diễn biến phức tạp; hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại kho hàng của bưu điện, kho hàng hóa nội địa của các công ty dịch vụ hàng không, kho hàng của các công ty logistic sau đó hàng sẽ được chuyển đến các bưu cục để giao cho khách hàng.

 

Tập trung cao độ kiểm soát biên giới và thị trường cuối năm

 

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng trên, theo các đại biểu, chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, hạn chế, khó khăn về điều kiện phương tiện, nhưng nguyên nhân quan trọng vẫn là vai trò chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, địa phương chưa thường xuyên, chưa quyết liệt.

 

Thêm vào đó, một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sỹ tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và bị xử lý, kỷ luật. Một số đơn vị chức năng chưa làm tốt công tác nắm tình hình, chưa chủ động trong công tác đấu tranh, còn để xảy ra một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gây bức xúc trong dư luận.

 

Hơn nữa, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương, đơn vị chưa đạt yêu cầu.

 

Hiện nay khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại. Do đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh cũ, dược phẩm, thực phẩm chức năng... “Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, trên cơ sở đó phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để triệt phá tận gốc các đường dây” - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh.

 

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng...

 

Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm./.

 

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________