Nguồn: Cục Điều tra chống buôn lậu Đồ họa: Hồng Vân

 

Ứng dụng triệt để công nghệ

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành Hải quan vừa trải qua một năm “không bận rộn” nhưng lại nhiều thử thách. “Không bận” vì các tuyến biên giới cả đường bộ, đường thủy, đường biển, đường không đều được kiểm soát gắt gao bởi lực lượng chức năng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên lại nhiều thử thách cũng bởi dịch bệnh, các thủ đoạn mới liên tục ra đời và biến đổi. Nhiều đối tượng lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Những thử thách đó được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, cộng thêm với việc nền kinh tế sôi động trở lại. Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh, năm 2022 đơn vị tiếp tục tăng cường hơn nữa sự chủ động trong nghiên cứu, nắm bắt tình hình và tổ chức đấu tranh trực tiếp; đổi mới tư duy, phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hải quan; bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu; tiếp tục tăng cường và siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ…

Một trong những giải pháp được ưu tiên là đổi mới phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, triển khai thực hiện có hiệu quả Trung tâm Chỉ huy trực tuyến tại Tổng cục Hải quan. Với việc “số hóa”, cơ quan hải quan có thể khai thác, phân tích dữ liệu quản lý vi phạm, thu thập thông tin liên quan để xác định phương thức, đối tượng trọng điểm và xây dựng hồ sơ theo dõi, giám sát trực tuyến, từ đó đánh phá được nhiều chuyên án lớn.

Cùng với đó là xây dựng lực lượng chuyên trách kiểm soát, chống buôn lậu đáp ứng yêu cầu về năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong tình hình mới, thông qua việc mở các lớp trong ngành và phối hợp với các trường, học viện thuộc ngành Công an để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ.

Đấu tranh hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn vi phạm mới

Chia sẻ về trọng tâm trong công tác đấu tranh trực tiếp của năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, cần tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các hành vi gian lận, trốn thuế; các vi phạm về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp... Ngoài các hành vi vi phạm trước đây, cần tăng cường nắm bắt, phân tích, đánh giá thông tin để đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn vi phạm mới, nhất là liên quan đến loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư, quá cảnh, tạm nhập tái xuất…

Đối với công tác phòng, chống ma túy tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Để đấu tranh hiệu quả, lực lượng chuyên trách của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phù hợp với nguồn lực hiện có để đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, lực lượng này cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát tốt từ khu vực cửa khẩu, trong các địa bàn hoạt động hải quan. Ngoài ra, cơ quan này cần tập trung nguồn lực để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong xuất nhập khẩu tiền chất.

Các nhiệm vụ thường xuyên khác cũng sẽ được lực lượng hải quan thực hiện là triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với các mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hành vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả về số lượng, chất lượng hoạt động điều tra, khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền.

Đặc biệt, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với hải quan các nước trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Siết kiểm soát hàng hóa trong Danh mục CITES

Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện thủ tục cần lưu ý điều kiện xuất nhập khẩu, kiểm tra Giấy phép CITES.

Trong đó, Tổng cục Hải quan cho biết, bên cạnh việc thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thuộc đối tượng quản lý về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm, căn cứ quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Công ước CITES), Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 (có hiệu lực từ ngày 30/11/2021)) thì Giấy phép CITES được áp dụng trong trường hợp: “Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES"; “xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”.

Về kiểm tra Giấy phép CITES, công chức hải quan thực hiện kiểm tra Giấy phép CITES đảm bảo Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin (số giấy phép, ngày cấp phép, chủng loại (tên loài), số lượng, mục đích, trường hợp xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu thì ghi rõ hàng xuất khẩu là hàng nhập khẩu của tờ khai hải quan nào trước đây); dán tem CITES hoặc mã hoá; ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Đồng thời, thông tin ghi trên giấy phép CITES thống nhất với thông tin ghi tờ khai hải quan.

Về kiểm tra thực tế, Tổng cục Hải quan hướng dẫn chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng thuộc danh mục CITES xuất khẩu có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa đã được nhập khẩu trước đây.

Trường hợp qua kiểm tra thực tế nếu nghi ngờ lô hàng tái xuất không đúng Giấy phép CITES, không đúng lô hàng đã nhập khẩu thì tiến hành điều tra xác minh tại cơ quan, đơn vị có liên quan (kiểm lâm, cơ quan quản lý CITES...).

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, chuyển tải bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các đơn vị hải quan địa phương cũng được chỉ đạo tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nằm trong danh mục CITES trên địa bàn quản lý; đánh giá, phân tích thông tin để xác định các dấu hiệu rủi ro và các doanh nghiệp rủi ro cao về gian lận, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu.

 

Theo Thời Báo Tài Chính

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________