Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang. Ảnh: Hải Anh
Trong quá trình nhận vận chuyển hàng quá cảnh bằng đường bộ sang nước thứ 3 qua các cửa khẩu, doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam phản ánh khi làm thủ tục quá cảnh, trường hợp cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa trong container là hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ thì không phạt chủ hàng (người gửi hàng/ người nhận hàng) mà phạt DN vận chuyển rất nặng, thậm chí tịch thu, tiêu hủy hàng hóa.
Thêm vào đó, rất nhiều tình huống thực tiễn, khi hải quan tháo gỡ hàng hóa ra kiểm tra thì lại không phát hiện các hàng hóa vi phạm. Trường hợp này DN thường bị phạt một lỗi hành chính nào đó với mức xử phạt rất nhỏ nhưng tổn thất của DN vô cùng lớn bởi mất chi phí do thời gian chở hàng, hàng hóa bị cắt niêm phong để kiểm tra dẫn tới bị chủ hàng phạt, mất các đơn hàng kế tiếp...
Trong khi đó, hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan và vận chuyển quá cảnh (như Luật Hải quan) đều không có chế tài cụ thể đối với việc này.
Khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan chỉ quy định: “Các quy định về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Luật này không áp dụng đối với hàng hóa viện trợ nhân đạo, tài sản di chuyển, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ, hành lý, quà biếu, quà tặng trong tiêu chuẩn miễn thuế và hàng hóa quá cảnh”.
Tuy nhiên, Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP lại có một số quy định liên quan và các cơ quan quản lý nhà nước đang vận dụng đế xử phạt DN vận tải. Trong khi đó việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh phải tuân theo những điều ước quốc tế về hàng quá cảnh mà Việt Nam ký kết, trong đó có xác định việc xử phạt chủ hàng.
DN logistics đề xuất, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhanh chóng xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan tới vận chuyển hàng hóa quá cảnh để tạo thuận lợi cho thương mại và giảm chi phí logistic, tăng nguồn thu cho Nhà nước, đẩy mạnh nguồn hàng quá cảnh của Campuchia và các nước qua Việt Nam.
Về vấn đề nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan, các quy định về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh.
Tuy nhiên, trường hợp lô hàng quá cảnh có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm pháp luật khác bị cơ quan hải quan kiểm tra và không áp dụng quy định về tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu phát hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Liên quan đến việc kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh để kiểm soát về sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã có giải đáp tại công văn số 7396/TCHQ-ĐTCBL (ngày 20/11/202) về việc trả lời công văn 05/2020/CV-HH của Hiệp hội Kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đã tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn và một số đề xuất, kiến nghị tại công văn 1524/BTC-TCHQ (ngày 18/02/2021)./.
Theo Thời Báo Tài Chính