Chính sách gia hạn nộp thuế góp phần giúp DN tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh

Chính sách gia hạn nộp thuế góp phần giúp DN tiếp tục duy trì
hoạt động kinh doanh trong thời điểm khó khăn hiện nay.

 

Chính sách này sẽ hỗ trợ một bước đệm tốt trong giai đoạn khó khăn về tài chính và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho các DN trong tình trạng hiện nay.

Eurocham đánh giá cao các đề xuất chính sách của Bộ Tài chính

Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCVN xung quanh Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp một số loại thuế nhằm hỗ trợ các DN chịu tác động của Covi-19, ông Dean Rolfecho biết, các chính sách hỗ trợ về thuế mà Chính phủ và Bộ Tài chính đưa ra chắc chắn sẽ được cộng đồng DN EuroCham hết sức hoan nghênh và phấn khởi. Theo ông Dean Rolfe, thách thức đối với các chính phủ tại thời điểm này là làm thế nào để thiết kế các chính sách phù hợp để có thể phản ứng tốt với một cuộc khủng hoảng kinh tế mới do tình trạng y tế khẩn cấp. Đây chính là mối quan tâm hàng đầu. Hơn nữa, rất khó để thiết lập chính sách kinh tế một cách nhanh chóng khi mà không ai có thể chắc chắn khi nào thì tình trạng y tế khẩn cấp như hiện nay mới kết thúc. Chính phủ Việt Nam đã có những chương trình hành động hết sức khẩn trương và EuroCham đánh giá cao những phản ứng nhanh chóng về mặt chính sách này.

Cũng theo ông Dean, sau khi gửi dự thảo nghị định xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và DN, Bộ Tài chính đã có một động thái rất tích cực khi mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế. Điều này rất đáng hoan nghênh và cho thấy Bộ Tài chính đã có sự tiếp thu và phản ứng rất nhanh trước phản hồi của cộng đồng DN, để xây dựng một chính sách thuế hết sức nhân văn trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Ông Dean cho rằng, việc ngừng các hoạt động kinh doanh đã dẫn đến việc mất thu nhập cho nhiều DN, đồng nghĩa với việc các DN này không có đủ tài chính để thanh toán các chi phí kinh doanh thông thường như chi phí thuê nhà, các tiện ích và chi phí nhân công. Về mặt trung và dài hạn, nhiều DN có thể phải giải thể nếu không có đủ nguồn lực để vượt qua giai đoạn gián đoạn kinh tế này. Vì vậy, dù trong bất kỳ trường hợp nào, một điều chắc chắn rằng các chính sách trên sẽ hỗ trợ một bước đệm tốt trong giai đoạn khó khăn về tài chính và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho các DN. Các chính sách hỗ trợ này cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhiều DN vững “tay lái” để tiếp tục “chèo lái con thuyền” kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Giúp DN có dòng tiền cần thiết để chi trả các chi phí kinh doanh 

Cho ý kiến về Nghị định 41, ông Phan Hoài Nam - Giám đốc Bộ phận tư vấn thuế, Công ty KPMG Việt Nam cho rằng, chính sách này gia hạn thời gian nộp thuế trong 5 tháng đối với một số loại thuế, hoàn toàn không có nghĩa DN được miễn thuế. Như vậy, sau khi hết thời gian gia hạn, DN phải nộp đầy đủ số thuế đã được gia hạn và ngân sách nhà nước sẽ không mất đi số thuế này. Dĩ nhiên, nếu chẳng may các DN này không thể tiếp tục hoạt động trong thời gian tới thì Nhà nước có thể mất đi nguồn thu này. Các biện pháp nêu ra trong Nghị định 41 được thiết kế để hỗ trợ các DN có thể tồn tại trong trung hạn đến dài hạn và có thể phục hồi DN khi các quy định về giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly khác được dỡ bỏ. Trong ngắn hạn và trung hạn, chính sách gia hạn nộp thuế nêu trên sẽ giúp DN có được dòng tiền cần thiết để chi trả các chi phí kinh doanh thông thường, bao gồm cả chi phí nhân công. Đây là điểm ưu việt trước hết của chính sách này. Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng chính sách này cũng có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế khi cần thiết và theo một cách đáng tin cậy, vì có thể thực hiện thông qua hệ thống quản lý thuế hiện hành. Điều này có nghĩa, hệ thống quản lý thuế hiện tại cho phép biện pháp này có thể được triển khai nhanh chóng và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, theo ông Nam một điều cũng rất quan trọng với DN trong bối cảnh dịch Covid là bảo đảm được thu nhập cho người lao động và giữ chân người lao động. Đây là một yêu cầu thiết yếu vì việc duy trì mối quan hệ lao động giữa DN và người lao động sẽ giúp các DN vượt lên từ cuộc khủng hoảng kinh tế nhờ vào các nhân viên có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để khôi phục hoạt động kinh doanh mà không bị gián đoạn. Vì vậy, nếu DN được hưởng lợi từ các chính sách giãn thuế, nợ thuế, tiền thuê đất như trong Nghị định 41 thì khi đến lượt mình, DN sẽ giữ chân được nhân viên trong giai đoạn khó khăn này.

Cũng theo ông Phan Hoài Nam, chính sách gia hạn nộp thuế nêu trên sẽ hỗ trợ DN có được một “bước đệm” tốt, giúp DN tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý rằng, chỉ đơn thuần gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ không giải quyết triệt để các vấn đề xảy ra khi DN phải tạm dừng hoạt động, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài. Chính phủ cần xem xét bổ sung thêm các giải pháp khác trong tương lai nhằm hỗ trợ DN tốt hơn nữa.

Về vấn đề phòng ngừa lạm dụng chính sách, ông Phan Hoài Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ kinh tế cho DN trong bối cảnh khó khăn là hoàn toàn đúng đắn, nhưng quá trình thực hiện chính sách phải rõ ràng, minh bạch để tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. “Vấn đề lạm dụng chính sách là một yếu tố quan trọng có liên quan đến quá trình thảo luận và ban hành nghị định này. Tôi tin rằng, Bộ Tài chính sẽ có phương án để xử lý tốt vấn đề này” - ông Nam nêu quan điểm.

Theo ông Phan Hoài Nam, các biện pháp nêu ra trong Nghị định 41 được thiết kế để hỗ trợ các DN có thể tồn tại trong trung hạn đến dài hạn và có thể phục hồi DN khi các quy định về giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly khác được dỡ bỏ. Trong ngắn hạn và trung hạn, chính sách gia hạn nộp thuế nêu trên sẽ giúp DN có được dòng tiền cần thiết để chi trả các chi phí kinh doanh thông thường bao gồm cả chi phí nhân công. Đây là điểm ưu việt trước hết của chính sách này. Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng chính sách này cũng có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế khi cần thiết và theo một cách đáng tin cậy, vì có thể thực hiện thông qua hệ thống quản lý thuế hiện hành. Điều này có nghĩa, hệ thống quản lý thuế hiện tại cho phép biện pháp này có thể được triển khai nhanh chóng và đáng tin cậy.

Theo Thời Báo Tài Chính 

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________