Tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2019 tại Cục Thuế Hà Nội.

Tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2019 tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: N.M

 

Để đưa luật vào áp dụng một cách kịp thời, Tổng cục Thuế đang xây dựng hàng loạt các thông tư hướng dẫn Luật, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện, sớm trình Bộ Tài chính ban hành. Trước tình hình đó, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với luật sư (Ls) Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty Luật An Ninh (AnNinhLaw) xung quanh việc xây dựng các thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả khi thi hành Luật.

* PV: Luật Quản lý thuế số 38 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới và để đưa Luật vào cuộc sống, Tổng cục Thuế đang xây dựng các thông tư hướng dẫn. Là người làm công tác tư vấn pháp luật, theo ông các thông tư hướng dẫn cần phải đảm bảo các nguyên tắc gì?

- Ls Đặng Thành Chung: Việc soạn thảo và ban hành các thông tư hướng dẫn luật, nghị định là điều cần thiết, vì thông tư sẽ quy định các vấn đề chi tiết hơn, để đối tượng bị tác động trực tiếp dễ dàng tiếp cận và thực hiện đúng các quy định pháp luật. Để làm được điều này, các thông tư hướng dẫn cần đảm bảo các nguyên tắc cần thiết, để khi triển khai vừa đảm bảo hiệu quả và dễ thực hiện.

Thứ nhất, khi soạn thảo phải lấy ý kiến các bên liên quan, bao gồm: đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác. Họ là các bên có trách nhiệm thực hiện, có trách nhiệm hỗ trợ, là chuyên gia trong lĩnh vực. Đối tượng bị tác động trực tiếp sẽ nêu quan điểm, mong muốn của mình, còn những bên còn lại sẽ đưa ra các hướng dẫn mang tính định hướng phù hợp với thực tiễn.

Ví dụ, về thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của doanh nghiệp, vì đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp lớn nhất, lấy ý kiến của ngân hàng là đối tượng hỗ trợ nộp thuế, lấy ý kiến của các chuyên gia tài chính, kinh tế, thuế để đưa ra cách tính thuế, giá trị thuế suất phù hợp…

 Ls Đặng Thành Chung
Ls Đặng Thành Chung 



Hình thức lấy ý kiến cũng rất đa dạng như: gửi ý kiến bằng văn bản, bằng điện thoại, bằng email. Hay như tại Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rất rõ ràng là cơ quan soạn thảo “đăng tải toàn văn dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ trong thời gian ít nhất là 60 ngày. Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ có thể lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc chính phủ, hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến. Đơn vị được phân công soạn thảo chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư”.

Thứ hai, thông tư phải đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo thông tư với hệ thống pháp luật. Tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Là hệ thống văn bản hướng dẫn luật, nghị định nên các quy định trong thông tư hướng dẫn phải đảm bảo sự phù hợp: hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật mà nó hướng dẫn. Ngoài ra, để tạo điều kiện hội nhập, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc hướng dẫn các quy định của Luật Quản lý thuế cũng cần đảm bảo tương thích với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, việc soạn thảo các thông tư hướng dẫn cần chú trọng đến các quy định cải cách thủ tục hành chính khi thực hiện quản lý thuế. Việc tinh gọn, tối giản các quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục kê khai thuế, nộp thuế, đồng thời áp dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, cá nhân phải nộp thuế có tâm lý thoải mái, dễ dàng thực hiện. Ngoài ra, để đảm bảo thông tư dễ hiểu, dễ áp dụng, cơ quan soạn thảo cũng cần chú trọng đến ngôn ngữ, giải thích từ vựng pháp lý đảm bảo cho các đối tượng bị tác động đọc và hiểu được nội dung trong thông tư.

* PV: Luật Quản lý thuế có một số nội dung mới đáng chú ý, đó là Luật đã quy định hẳn một chương (Chương X) về hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử. Theo ông, việc xây dựng thông tư hướng dẫn về nội dung này cần phải cụ thể hóa như thế nào để người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng quy định?

- Ls Đặng Thành Chung: Hiện nay, việc áp dụng hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử góp phần tạo điều kiện cho việc sử dụng và quản lý thuế của người nộp thuế, cũng như cơ quan thuế dễ dàng và minh bạch hơn. Khi hướng dẫn nội dung này, thông tư cần quy định thống nhất áp dụng hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử trên toàn hệ thống, quản lý thuế và quá trình chuyển đổi từ phương thức hóa đơn, chứng từ giấy sang hóa đơn, chứng từ điện tử.

Để thống nhất vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần quy định việc xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu; quy trình thu thập, xử lý thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn và bảo đảm duy trì, vận hành, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin… Bên cạnh đó, các hướng dẫn về quy trình kê khai và nộp thuế bằng hóa đơn, chứng từ điện tử cũng cần quy định cụ thể trong thông tư.

* PV: Muốn đưa Luật Quản lý thuế vào cuộc sống, ngoài việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thì công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng. Theo ông, công tác tuyên truyền về luật sẽ phải thực hiện như thế nào để người dân và doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện?

- Ls Đặng Thành Chung: Một trong những kênh quan trọng để người dân và doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện chính là kênh tuyên truyền pháp luật. Một số biện pháp tuyên truyền pháp luật hiệu quả có thể nhắc đến như: Công khai văn bản pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website chính thức của cơ quan ban hành văn bản để tất cả người dân và doanh nghiệp biết đến sự tồn tại, cũng như quy định cụ thể của văn bản đó.

Bộ Tài chính, mà cụ thể là Tổng cục Thuế cần mở rộng các phương thức liên lạc đến với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, người dân bằng hình thức điện thoại, email, tiếp dân để khi người dân hỏi, cơ quan quản lý sẽ tiếp nhận và phản hồi, qua đó hướng dẫn người dân thực hiện quy định pháp luật.

Tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu trực tuyến về vấn đề pháp luật. Tại đây, những người tham gia bày tỏ, trao đổi những quan điểm của mình về những vấn đề cụ thể và được người có thẩm quyền giải đáp thắc mắc. Hoặc tăng cường hơn nữa quyền tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào các dự án xây dựng, ban hành văn bản pháp luật để người dân nắm bắt tinh thần pháp luật ngay từ đầu và chủ động thực hiện.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời Báo Tài Chính

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________