Tình trạng đầu cơ khiến nhiều khu đô thị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.

 

Thời gian vừa qua, giá đất các vùng ven đô tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lại nóng lên khi nhiều người lùng sục mua đất, điều này đã khiến cho giá đất tăng cao, tạo cơn “sốt” đất ảo. Để giải cơn “sốt” này, trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật An Ninh (AnNinhLaw) cho rằng, đã đến lúc cần phải điều chỉnh khung giá chuyển nhượng bất động sản. Về lâu dài, Chính phủ nên xem xét ban hành Luật Thuế tài sản để điều chỉnh hoạt động mua, bán bất động sản.

PV: Như ông đã biết, thời gian qua giá đất tại các vùng ven đô đã liên tục tăng chóng mặt. Theo lý giải của các chuyên gia bất động sản, cơn "sốt" đất bắt nguồn từ nhu cầu của người dân tăng cao, trong khi đó nguồn cung hạn chế. Để giảm cơn "sốt" về đất, nhiều ý kiến cho rằng ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cần phải điều chỉnh khung thuế chuyển nhượng bất động sản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ls Đặng Thành Chung: Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó có hướng dẫn mức thuế thu nhập cá nhân, thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng. Theo thuế suất này, mức thuế thực tế đối với đối tượng có thu nhập trung bình, nghèo hoặc đối tượng không kinh doanh bất động sản là có sự phù hợp nhất định.

Tuy nhiên, thuế suất này đặt ra đối với trường hợp kinh doanh bất động sản, hoặc người có thu nhập cao thì thiết nghĩ cần phải điều chỉnh, vì thu nhập của những đối tượng này vốn đã cao. Mặt khác, nhiều người bán và người mua đồng ý giảm giá bán chính thức để nộp thuế chuyển nhượng thấp hơn nữa. Do đó, cần phải cân nhắc việc điều chỉnh khung giá thuế chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp với thị trường và phù hợp với đối tượng chuyển nhượng bất động sản. Việc tăng thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ là liều thuốc giúp cho thị trường bất động sản hiện nay hết “sốt”.

PV: Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN mới đây, luật sư Hàn Quốc Choi Ji Ung, Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm cho rằng, Chính phủ nên xem xét áp dụng khung thuế mới đối với thuế suất chuyển nhượng (bán) bất động sản từ 2% tổng giá bán hiện hành lên hai con số. Ông thấy đề xuất này như thế nào?

Ls Đặng Thành Chung: Việc xem xét áp dụng khung thuế mới đối với chuyển nhượng bất động sản cần phải tính tới các yếu tố đối tượng thực hiện chuyển nhượng; số lượng bất động sản người này sở hữu; mức thuế thu nhập cá nhân mà người này đang đóng; người này có thực hiện kinh doanh bất động sản hay không… Bởi lẽ, nếu người bán có các yếu tố này, thì có thể áp mức thuế suất lên hai con số, vì họ có đủ điều kiện để nộp thuế. Tuy nhiên, với các đối tượng khác như chỉ có bất động sản duy nhất, mức thu nhập chưa đủ để nộp thuế thu nhập cá nhân, thì việc áp mức thuế suất lên hai con số có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản của họ.

Hiện nay, tại Việt Nam số lượng người nghèo, người có thu nhập thấp đang chiếm phần nhiều, nếu tăng thuế lên hai con số sẽ dẫn đến tăng giá chuyển nhượng, gây khó khăn cho việc sở hữu nhà của các đối tượng này. Do đó, việc lựa chọn áp thuế hai con số cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở các tình huống thực tế có thể xảy ra, để đảm bảo nguồn thu thuế cho Nhà nước, nhưng cũng đảm bảo cả thu nhập cho người bán.

PV: Để thị trường bất động sản minh bạch, không xảy ra tình trạng "sốt" ảo như thời gian qua, đồng thời đảm bảo tránh hệ lụy sau những cơn sốt đất ảo, ngoài việc điều chỉnh khung thuế chuyển nhượng bất động sản, theo ông nên có luật thuế tài sản như Bộ Tài chính đã từng lấy ý kiến không, thưa ông?

Ls Đặng Thành Chung: Mục tiêu của thuế tài sản là để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách chính sách thuế đối với tài sản. Đồng thời, thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Như vậy, về chủ trương xây dựng Luật Thuế tài sản là phù hợp.

Tuy nhiên, việc quy định và đưa luật vào đời sống thực tiễn cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, phải đúng đối tượng chịu thuế (phân tầng đối tượng hợp lý) và căn cứ tính thuế phù hợp với đối tượng nộp thuế. Nếu cao quá sẽ dẫn đến trốn thuế, gây khó khăn trong việc thu thuế và có thể sẽ triệt tiêu nguồn thu từ thuế này.

Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang thi hành một số loại thuế, lệ phí có chức năng tương tự như thuế tài sản: thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ… Vì vậy, Luật Thuế tài sản được ban hành cần phải hài hòa, có sự kế thừa của các sắc thuế trên. Do đó, các cơ quan xây dựng luật cần phải đảm bảo được các điều kiện để đưa luật vào đời sống thực tiễn, nếu chưa đảm bảo được các điều kiện trên thì chưa nên ban hành.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Hệ lụy sau những cơn “sốt” đất ảo


Như báo chí thông tin gần đây, tình trạng đổ xô tìm mua đất để đầu tư đã tạo thành làn sóng không chỉ đối với giới đầu tư bất động sản tại các đô thị, mà còn lan về tận các vùng quê. Nhiều “cò đất” nghiệp dư đã xuất hiện, huy động tiền đầu tư “lướt sóng”, đầu cơ đất, hoặc làm môi giới bán đất để kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, do giá bị đẩy lên cao, khiến đất không bán được. Có những trường hợp sau khi mua mới phát hiện đất có vấn đề về pháp lý… Nhiều trường hợp đã phải ôm “trái đắng” trong các thương vụ mua bán bất động sản, dẫn đến vỡ nợ, hệ lụy hậu những trận “sốt” đất là rất lớn.

 

 

Theo Thời Bái Tài Chính

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________