Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng năng lượng có nguồn gốc tái tạo, thân thiện môi trường.

 

“Chính sách giá cần đột phá, căn cơ hơn”

 

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hiện là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu và ngày càng được quan tâm nghiên cứu, gắn với quá trình xây dựng các chính sách phát triển kinh tế của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Do đó, cần thiết phải có các chính sách về thuế, phí và giá để điều tiết trong quá trình sử dụng, góp phần tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, việc hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành giá các mặt hàng tài nguyên, năng lượng quan trọng thiết yếu như xăng dầu, điện, than… là phù hợp với diễn biến thế giới và trong nước; góp phần thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường thông qua cơ chế chính sách giá; qua đó, sẽ giúp khuyến khích sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường. “Những đóng góp, phân tích, đánh giá về quản lý giá đối với nhóm hàng hóa là tài nguyên, năng lượng, sẽ là cơ sở để Cục Quản lý giá nghiên cứu, đề xuất định hướng hoàn thiện. Kết quả này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng Luật Giá (sửa đổi)” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

 

Trình bày báo cáo là một nghiên cứu khá công phu của nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - chuyên gia tư vấn của GIZ cho biết, khung pháp lý đối với phát triển các năng lượng tái tạo, trong đó có chính sách giá thời gian qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc khuyến khích đầu tư, đa dạng hóa và nâng cao tỷ lệ cơ cấu tài nguyên, năng lượng sạch. Tuy nhiên, chính sách giá đối với tài nguyên, năng lượng vẫn còn hạn chế; cơ chế giá hiện nay mới chỉ giới hạn trong việc xây dựng mức giá tạm thời để khuyến khích đầu tư, kết cấu chi phí hợp lý, bảo vệ môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, trong thời gian tới, chính sách giá cần mang tính đột phá, căn cơ hơn nhằm không chỉ điều chỉnh căn bản hành vi về phía “cung” mà còn thay đổi tư duy, nhận tức từ phía “cầu”, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng năng lượng có nguồn gốc tái tạo, thân thiện môi trường.

 

“Gây ô nhiễm thì phải trả tiền”

 

Tham góp ý kiến tại hội thảo, ông Ngô Đức Ảnh - Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai cho rằng, trong cơ chế giá, cần phải tính toán kỹ. Ví dụ, một số đơn vị kinh doanh nước sạch, ở các địa bàn đầu tư khác nhau nhưng chỉ được thực hiện một cơ chế giá. Do đó, ông Ngô Đức Ảnh đề nghị cần có nguyên tắc, phương pháp xây dựng giá, theo hướng phân quyền cho địa phương, để khuyến khích thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Về bù giá nước, ông Ngô Đức Ảnh cho rằng, trên thực tế không khuyến khích được đầu tư, không tiết kiệm việc sử dụng nước.

 

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị, cần thực hiện bình đẳng giá đối với các thành phần trong nền kinh tế. Về giá các loại khoáng sản, trong yếu tố cấu thành giá, có chi phí lớn về đảm bảo yếu tố môi trường. “Một đơn vị sản xuất, tiêu thụ than, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phải đầu tư rất lớn, nếu doanh nghiệp không thực hiện tuân thủ, thì giá thành sẽ rất khác nhau”, ông Dũng nói.

 

Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), lĩnh vực giá là rất quan trọng. Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, nguyên tắc điều hành chính sách thuế, phí hiện nay đó là “người gây ô nhiễm thì phải trả tiền”. Hiện nay, chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa huy động nguồn cho ngân sách, vừa phải khuyến khích sử dụng năng lượng xanh, tái tạo. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, trong xây dựng chính sách tài chính về giá liên quan đến tăng trưởng xanh, ông Ngô Bá Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý cần đánh giá kỹ từ thực tiễn, bởi nếu quá coi trọng yếu tố môi trường, thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng nếu giá tăng quá cao.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong thời gian tới, cần rà soát, đánh giá và nghiên cứu bổ sung đưa vào danh mục nhà nước quản lý (bình ổn, định giá, kê khai) đối với những hàng hóa, dịch vụ là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất các hàng hóa, dịch vụ xanh nhằm giảm giá hoặc ổn định giá cả đầu vào để hỗ trợ cho phát triển sản xuất lĩnh vực xanh, bảo vệ môi trường.

 

Đặc biệt, trên cơ sở nguyên tắc định giá hàng hóa, dịch vụ, cần nghiên cứu, xây dựng phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ xanh đảm bảo tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào với lộ trình và mức giá cạnh tranh. Đối với các sản phẩm không thân thiện môi trường, trong cơ cấu tính giá, theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, cần phải gắn với việc bổ sung phí bảo vệ môi trường, hoặc thuế, phí, nhằm hạn chế tiêu dùng.

 

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________