Đối tượng và tang vật ma túy vận chuyển trái phép bị lực lượng liên ngành bắt giữ. Ảnh: TL
Phức tạp trận tuyến biên giới đất liền
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng nhanh với thủ đoạn hết sức tinh vi và nhiều vụ vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không, bưu điện đã bị phát hiện trong thời gian gần đây.
Gần đây nhất, ngày 29/10 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với Đồn biên phòng Nậm Cắn phát hiện, bắt giữ 30 bánh heroin. Trước đó, ngày 24/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu Pò Peo phối hợp với Công an tỉnh Cao Bằng cũng phát hiện hành vi vận chuyển 25 bánh heroin;...
Số liệu thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng Hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng bắt giữ 137 vụ/170 đối tượng, thu giữ 56,60 kg và 181 bánh heroin; 663,31 kg ma túy tổng hợp dạng bột, tinh thể; 369.870 viên ma túy tổng hợp; 0,17 kg cocaine, 20,42kg cần sa; 13,43 kg thuốc phiện, 25,65 kg ketamin.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, sau khi các lực lượng chức năng của Việt Nam tấn công mạnh vào khu vực biên giới phía Bắc, các đối tượng tìm cách chuyển hoạt động về khu vực biên giới ở miền Trung và phía Nam.
Cụ thể, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thời gian gần đây, do lực lượng chức năng tăng cường trấn áp nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam giảm so với trước. Tuy nhiên, hoạt động này từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc, miền Trung lên các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ lại gia tăng.
Bên cạnh đó, dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào tồn tại nhiều điểm “nóng” phức tạp về ma túy và tội phạm ma túy có xu hướng dịch chuyển mạnh sang các địa bàn miền Trung, Tây Nguyên. Ngoài ra, trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, một số đường dây từ Bắc Mỹ, Châu Phi quá cảnh Campuchia về Việt Nam, đưa heroin, ma tuý tổng hợp, cần sa vào Việt Nam tiêu thụ, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Ở tuyến này, gần đây đã xuất hiện xu hướng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng đá qua tuyến biên giới đưa về Việt Nam, sau đó dập thành viên nén để tiêu thụ.
Gia tăng vận chuyển bằng hàng không, cảng biển, chuyển phát nhanh
Cục Điều tra chống buôn lậu cũng cho biết, tội phạm ma tuý thường xuyên lợi dụng hình thức vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không, tuyến bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép các chất ma tuý, cất giấu trong các loại hàng hoá gửi dưới dạng quà biếu, quà tặng về nước. “Số lượng tuy không nhiều nhưng tần suất gửi liên tục, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi lượng hành khách xuất nhập cảnh giảm có thời điểm dừng xuất nhập cảnh thì ma túy gia tăng trên tuyến bưu điện và chuyển phát nhanh”, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.
Tuyến biển và cảng biển quốc tế được đánh giá là tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trọng điểm là các cảng biển tại TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, do phạm vi rộng và hết sức khó khăn trong việc kiểm soát. Gần đây, xuất hiện tình trạng ma túy trôi dạt vào bờ biển tại một số tỉnh miền Trung.
Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, nhất là tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh, tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến đặc biệt phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam trong một vài năm qua. Các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, móc nối thành lập các doanh nghiệp “bình phong”, ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng rất lớn.
Sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tội phạm ma tuý trong và ngoài nước ngày càng câu kết chặt chẽ, hình thành các đường dây với phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động với trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lịch, hoạt động vận chuyển ma tuý không theo bất cứ một quy luật nào và tội phạm sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí “nóng” chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ. Thậm chí hiện nay trên khu vực biên giới các tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên đã xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng thiết bị bay không người (Flycam) để tiến hành quan sát, theo dõi các tuyến, khu vực, địa điểm mà bọn tội phạm dự định sẽ tiến hành vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
Các đối tượng liên kết hình thành đường dây mua bán và các đối tượng cầm đầu trong đường dây không trực tiếp vận chuyển ma túy mà chúng lôi kéo số đối tượng có quan hệ dòng tộc với người Lào vận chuyển ma túy về tỉnh biên giới Việt Nam - Lào. Các đối tượng người Lào khi vận chuyển ma túy vào địa bàn biên giới Việt Nam - Lào thường chủ động chọn địa điểm giao hàng, bố trí đối tượng đi dò đường, canh gác. Trong quá trình mua, bán, vận chuyển ma túy bọn tội phạm sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.
Cũng theo thông tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu, thay vì sản xuất ma túy đá ở Trung Quốc, hiện các đối tượng đầu tư những nhà xưởng sản xuất quy mô lớn ở những vị trí biệt lập, rồi từ đó đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. Ma túy đá được sản xuất chủ yếu từ hóa chất với độ tinh khiết lên đến 99%, giá thành hạ. Theo đánh giá của lực lượng chức năng phòng, chống ma túy các nước, giá thành ma túy đá ở Việt Nam đang rẻ đứng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á chỉ sau Myanmar và Lào./.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn