Đánh giá cao vai trò của các ĐLT trong việc hỗ trợ ngành thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời khẳng định cam kết đồng hành, tạo điều kiện tối đa cho các ĐLT phát triển, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí cho biết: Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo cục thuế các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, phát triển hệ thống ĐLT. Theo đó, Tổng cục Thuế cũng đề nghị cơ quan thuế các địa phương tạo điều kiện thuận lợi khi đại diện của ĐLT giao dịch với cơ quan thuế theo ủy quyền của người nộp thuế. Đặc biệt, phải công khai danh sách ĐLT, nhân viên ĐLT đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn tại trụ sở cơ quan thuế các cấp và trên trang thông tin điện tử của cục thuế. Ưu tiên tập huấn về chế độ, chính sách, thủ tục hành chính thuế cho cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế trước khi tập huấn cho DN.
(TCT online) - Hiện cả nước có 280 đại lý thuế (ĐLT) nếu so với hơn 500.000 DN đang hoạt động và 1,7 triệu hộ cá thể và hàng chục triệu hộ gia đình nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì số lượng các ĐLT còn quá khiêm tốn. Do đó, Bộ Tài chính và ngành thuế cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ĐLT trong thời gian tới. Đó là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm về giải pháp phát triển đại lý thuế, diễn ra vào ngày 15/4 tại Hà Nội.
Báo cáo của Hội tư vấn thuế (VTCA) cho biết, nếu năm 2008 khi thành lập hội, cả nước chưa có ĐLT nào thì đến thời điểm này đã có 280 DN làm ĐLT hoạt động tại 16 tỉnh, TP. Các ĐLT hiện nay tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, trong đó có một số DN hoạt động tương đối hiệu quả như: ĐLT Trí Luật đã làm thủ tục dịch vụ về thuế cho 400 DN, ĐLT Trương Gia làm thủ tục cho trên 300 DN; ĐLT Cường Linh (Quảng Ninh) phục vụ thường xuyên cho trên 150 DN… Tuy nhiên, số lượng ĐTL còn chưa tương xứng với sự phát triển của cộng đồng DN và phân bổ chưa đồng đều. Hiện nay nhiều địa phương chưa có ĐLT, hoạt động của ĐLT còn gặp nhiều khó khăn. Để tồn tại, các ĐLT phải làm thêm các dịch vụ kế toán, rà soát báo cáo tài chính, tư vấn tài chính, hóa đơn chứng từ, lập và giải thể DN…
Phân tích về nguyên nhân làm hạn chế hoạt động ĐLT, theo Phó Cục trưởng cục Thuế Hà Nội, ông Mai Sơn cho rằng, hiện nay cơ sở pháp lý chưa rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của ĐLT dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp DN ngần ngại khi dùng dịch vụ này. Thêm vào đó, rất ít DN và người dân thật sự hiểu về ĐLT, nên chưa tin tưởng chất lượng hoạt động, chưa “mặn mà” với ĐLT. Thực tế này đã hạn chế về vai trò của ĐLT trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, đồng thời ảnh hưởng đến việc xã hội hóa công tác hỗ trợ người nộp thuế theo chủ trương của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.
Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM Trần Thị Lệ Nga chia sẻ thêm: dù đánh giá cao vai trò của các ĐLT nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và ĐLT trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao khi giữa 2 bên chưa có sự gắn kết, trao đổi để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; bản thân các ĐLT cũng chưa chủ động phối hợp với cơ quan thuế tổ chức các buổi đối thoại, tọa đàm để giải đáp vướng mắc cho DN. Ngoài ra, số lượng ĐLT quá thấp so với trên 150.000 DN, 250.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP HCM, kéo theo việc gia tăng áp lực lên cơ quan thuế trong việc đón tiếp, trả lời các vướng mắc phát sinh ngày càng nhiều, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm nộp quyết toán thuế.
Tại buổi tọa đàm một số ĐLT phản ánh, mặc dù Tổng cục Thuế và các cục thuế đều tạo điều kiện cho các ĐLT hoạt động và phát triển, tuy nhiên một bộ phận cán bộ thuế ở cơ sở chưa nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của ĐLT nên còn gây khó dễ. Các ĐLT bày tỏ mong muốn ngành thuế cần nghiên cứu, tạo cơ chế khuyến khích DN sử dụng dịch vụ ĐLT. Theo đó, cần hỗ trợ quảng bá hình ảnh, có chính sách ưu đãi hơn khi ĐLT thực hiện quyết toán thuế cho DN, ưu tiên trong công tác hoàn thuế, xác minh hóa đơn..., để người nộp thuế thấy những ưu điểm khi thuê ĐLT và sẵn sàng bỏ tiền sử dụng dịch vụ này. Bên cạnh đó, các ĐLT đều mong muốn cơ quan thuế tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn để cập nhật thường xuyên kiến thức, kinh nghiệm, giúp các ĐLT nâng cao năng lực hỗ trợ DN.
Tại lễ kỷ niệm 8 năm thành lập Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) diễn ra trước khi tổ chức hội thảo, ghi nhận những nỗ lực của tập thể hội viên VTCA cũng như những cố gắng phấn đấu đóng góp công sức, trí tuệ của lãnh đạo hội và các ủy viên Ban chấp hành hội, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tặng cờ và nhiều Bằng khen cho các tập thể và hội viên của VTCA./.
Tổng cục Thuế mong muốn trong thời gian tới các ĐLT tập trung hỗ trợ cơ quan thuế trong việc xây dựng và hoạch định cơ chế chính sách; đồng thời hỗ trợ tuyên truyền về cải cách hành chính thuế, đặc biệt là hai nghiệp vụ mới về hoàn thuế điện tử và hóa đơn điện tử.
Trung Kiên - tapchithue.com.vn