Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH cho biết như vậy khi trả lời phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ sẽ đề xuất QH tiếp tục ban hành nghị quyết cho phép kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong 5 năm tiếp theo, sau khi hết hạn vào cuối năm nay. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông); góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nông dân, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, có cơ hội đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Chính sách này cũng khuyến khích tập trung sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; đồng thời, tạo thêm niềm tin của người dân với chủ trương đổi mới, kiến tạo của Đảng và Chính phủ.

Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng chính là sự lý giải tại sao cần thiết phải kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN. Chỉ nhìn riêng ở góc độ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, điểm qua các con số hiện nay cho thấy, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn. Hiện có hơn 50 nghìn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khoảng 10,2 nghìn DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản (50% là trong lĩnh vực nông nghiệp, 35% trong lĩnh vực thủy sản và 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp). Tuy nhiên, số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN trên cả nước (trong đó có tới 93% là DN nhỏ và siêu nhỏ). 

 ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương



Từ thực tế, chúng ta có thể thấy rằng, so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN như hiện nay còn khá ít, quy mô còn hạn chế, sự phát triển của các DN trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, theo tôi trong thời gian tới, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết và sẽ được các ĐBQH cũng như cử tri cả nước đồng tình ủng hộ.

PV: Đồng tình với việc tiếp tục miễn, giảm thuế SDĐNN, nhưng có ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải miễn, giảm thuế đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đúng vậy, việc miễn, giảm thuế sẽ tác động trực tiếp đến giảm thu ngân sách. Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng, QH, Chính phủ, nhiều năm qua, chúng ta vẫn miễn giảm thuế nhằm đẩy mạnh phát triển tam nông. Do đó, việc miễn, giảm thuế phải đến đúng đối tượng, để chính sách đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Nhưng trên thực tế, đúng là còn tình trạng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích đối với đất nông nghiệp. Do đó, cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế SDĐNN để hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, kể cả trường hợp đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất, đất mà thành viên nhân giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và đất góp vốn để thành lập hợp tác xã. Nhưng riêng đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp, thì phải nộp 100% thuế SDĐNN trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất. Việc xác định các trường hợp này thông qua hợp đồng nhận thầu giữa các tổ chức được giao đất với tổ chức, cá nhân khác. 

Quy định như trên là khá chặt chẽ, tránh trường hợp đất nông nghiệp không sử dụng nhưng vẫn được miễn thuế.

PV: Là Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, ông đánh giá như thế nào dưới góc độ tác động xã hội của chính sách này và ông có thể cho biết những thành tựu của ngành nông nghiệp Quảng Bình trong thời gian qua?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi việc thực hiện miễn thuế SDĐNN là một chủ trương đầy tính nhân văn. Chính sách này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tam nông, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu như hiện nay.

Có thể nói rằng, trong 15 năm qua, Nhà nước đã thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN cho hàng chục triệu đối tượng. Chính sách ưu việt này đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và đã mang lại một diện mạo mới cho nông thôn. Trên thực tế, kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn đã có những bước phát triển nhất định, nhưng vẫn là khu vực có tốc độ phát triển chậm so với các khu vực khác. Do đó, rất cần thiết phải hỗ trợ cho khu vực này dưới nhiều hình thức, trong đó có chính sách thuế.

Đối với Quảng Bình, trong những khó khăn chung của cả nước, còn có khó khăn riêng đó là xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Đặc biệt là khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có bão, lũ xảy ra, nên có nguy cơ rủi ro trong đầu tư sử dụng đất nông nghiệp; ngoài ra còn bị ảnh hưởng của môi trường biển, dịch Covid-19… Tuy nhiên, tỉnh đã triển khai hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Quảng Bình đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp chiều sâu của địa phương.

Qua thực hiện, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã có những bước chuyển biến mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn từng bước cải thiện. Tỉnh đã mời gọi đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn với hàng chục dự án và số vốn đăng ký lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4 - 4,5%/năm giai đoạn 2018 - 2020. Năm 2020, cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 18% GRDP toàn tỉnh; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2017, 59% xã đạt tiêu chí nông thôn mới… Trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. 

Đối với người nông dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung, việc tiếp tục miễn, giảm thuế SDĐNN sẽ tạo nguồn lực để tái đầu tư phát triển nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời Báo Tài Chính
 
 

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________