Tiếp nhận thủ tục hành chính thuế tại Cục Thuế Thái Nguyên.
Tiếp nhận thủ tục hành chính thuế tại Cục Thuế Thái Nguyên. Ảnh: NM

 

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết như vậy khi góp ý về việc xây dựng các thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi (Luật Quản lý thuế số 38, có hiệu lực từ 1/7/2020).

PV: Như ông đã biết, Luật Quản lý thuế số 38 đã được Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020; hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng các thông tư hướng dẫn. Là người làm công tác tư vấn thuế cho doanh nghiệp, ông có góp ý gì cho việc xây dựng các thông tư hướng dẫn này?

- Ông Nguyễn Văn Được: Để đưa Luật Quản lý thuế vào cuộc sống, các văn bản hướng dẫn trước tiên phải hợp hiến, hợp pháp phù hợp với khuôn khổ của văn bản pháp luật cao hơn. Nội dung của văn bản hướng dẫn không được mâu thuẫn, trái với các quy định khác có liên quan. Hay nói cách khác, phải có sự thống nhất, đồng bộ trong tổng thể của Luật Quản lý thuế và tổng thể của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này là rất cần thiết, nhằm tránh hiện tượng các quy định pháp luật chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khi vận dụng thực hiện.

Việc xây dựng các thông tư hướng dẫn cần làm rõ nội hàm của các quy định pháp luật một cách ngắn gọn, dễ hiểu tránh hiện tượng đa nghĩa (hiểu sao cũng được) hoặc tối nghĩa (chưa bao quát được nội hàm), từ đó dễ gây hiểu nhầm, vận dụng sai các quy định, dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp cũng như cán bộ công chức thừa hành. Khi đó có thể sẽ gây ra khiếu nại, khiếu kiện phát sinh, hoặc sẽ có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm từ cấp dưới cho cấp trên, hoặc cơ quan nhà nước phải ban hành nhiều văn bản để giải thích, hướng dẫn, làm tốn kém và lãng phí chi phí của doanh nghiệp và xã hội.

 

Ông Nguyễn Văn Được
Ông Nguyễn Văn Được



Một yếu tố rất quan trọng, đó là khi xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, cần lắng nghe ý kiến góp ý, phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện các quy định pháp luật đó trong cuộc sống, tránh hiện tượng văn bản pháp luật ban hành ra chưa có hiệu lực đã phải sửa, hoặc không phù hợp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và xã hội.  

Về phía doanh nghiệp, cũng cần nêu cao tình thần trách nhiệm góp ý, phản biện và trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình để cơ quan soạn thảo thấu hiểu được những tồn tại thực tế khách quan, từ đó xây dựng văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế và khả thi cao.

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực thuế, chắc hẳn ông đã nghiên cứu rất kỹ về Luật Quản lý thuế số 38. Theo ông, việc xây dựng các quy định hướng dẫn luật cần chú trọng những nội dung gì?

- Ông Nguyễn Văn Được: Một nội dung khá mới của Luật Quản lý thuế số 38, đó là luật đã quy định hẳn một chương (Chương X) quy định về hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử. Điều này cũng phù hợp với xu thế của thế giới cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, chúng ta đang hướng tới 100% doanh nghiệp, người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử. Tuy nhiên, do quá độ của thời gian dài chúng ta vẫn dùng hóa đơn và chứng từ giấy, vì vậy các văn bản hướng dẫn luật lần này phải giải quyết được những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phải làm rõ được những quy định của hóa đơn điện tử và chứng từ điện từ trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây và sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ 4.0 và trong khuôn khổ của Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định.

Thứ hai, do vẫn còn một bộ phận các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh doanh còn dùng hóa đơn và chứng từ giấy, nên các văn bản hướng dẫn luật vẫn cần thiết phân định rạch ròi các quy định áp dụng riêng cho hóa đơn giấy để tránh nhầm lẫn với các quy định của hóa đơn, chứng từ điện tử.

Thứ ba, các văn bản hướng dẫn cần quy định chi tiết, cụ thể khi chuyển tiếp từ hóa đơn, chứng từ giấy sang hóa đơn, chứng từ điện tử. Phải ước lượng được các tình huống xảy ra để giải quyết những vấn đề tồn tại của hóa đơn, chứng từ giấy khi áp dụng hóa đơn điện tử sao cho thuận tiện, minh bạch, khoa học, giúp doanh nghiệp và các bên liên quan có cơ sở tham chiếu, thực hiện, cũng như tra cứu, kiểm tra, giảm sát trong giai đoạn đầu.

Cuối cùng, các quy định hướng dẫn luật cần chỉ rõ cho doanh nghiêp hiểu được phạm vi, đối tượng của sự điều chỉnh pháp luật hướng tới là gì để doanh nghiệp biết và thực hiện, tránh những hiểu nhầm không đáng có, hạn chế những lúng túng khi thực hiện. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp khi thực hiện.

PV: Như ông vừa nói thì để đưa Luật Quản lý thuế vào cuộc sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp. Ông có thể nói cụ thể hơn là tuyên truyền sẽ phải thực hiện như thế nào để tạo sự lan tỏa, cũng như để người dân và doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện?

- Ông Nguyễn Văn Được: Hiệu quả của một chính sách không chỉ dừng lại ở trình độ xây dựng chính sách, mà quan trọng hơn cả là chính sách đó có đi vào cuộc sống thật sự hay không. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết và tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp. Hay nói cách khác, để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được và thực hiện đúng tinh thần của Luật Quản lý thuế, thì công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Do đó việc tuyên truyền chính sách phải được thực hiện trên hai góc độ.

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần đào tạo, tập huấn nhuần nhuyễn cho cán bộ công chức về tinh thần của Luật Quản lý thuế, để từ đó hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và giải quyết chính sách cho doanh nghiệp được thuận tiện, minh bạch và đúng pháp luật.

Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều kênh như tập huấn cho doanh nghiệp, vẫn được cơ quan thuế làm tốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, cũng cần đổi mới phương thức tập huấn, tuyên truyền thông qua mạng internet, mạng xã hội, các hình thức này vừa hiệu quả, lại giảm chi phí, cũng như tăng sự tương tác.

Thứ ba, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị hành nghề như: Đại lý thuế, công ty kiểm toán, kế toán để thực hiện phổ biến chính sách pháp luật bên cạnh công tác giải thích và phổ biến pháp luật của các cơ quan nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời Báo Tài Chính

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________