Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư là cần thiết, để có nguồn vốn tái đầu tư các dự án đường cao tốc khác.

 

TS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing đã chia sẻ như vậy với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc (ĐCT) thông qua trạm thu phí trên ĐCT do nhà nước đầu tư, dự kiến nhà nước sẽ thu phí sử dụng ĐCT. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

 

- Ông Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, việc thu phí sử dụng ĐCT do nhà nước đầu tư là cần thiết, để nhà nước có nguồn vốn tái đầu tư các dự án ĐCT khác, cũng như có đủ nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì, nâng cấp chính tuyến cao tốc đó trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

 

Cần nhìn nhận rằng, hệ thống ĐCT có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, nên cần phải đầu tư mạnh mẽ vào phát triển mạng lưới ĐCT. Tuy nhiên, đầu tư ĐCT rất tốn kém, suất đầu tư hiện nay lên đến trên 5 triệu USD/km. Để đầu tư xây dựng mạng lưới ĐCT lên đến hàng nghìn km đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ, không ngân sách nào gánh nổi. Nguồn vốn tư nhân đầu tư vào phát triển ĐCT cũng rất hạn chế (vì suất đầu tư cao, thu hồi vốn chậm nên không thực sự hấp dẫn đầu tư tư nhân), do đó, nhiệm vụ phát triển hệ thống ĐCT chủ yếu thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Để có vốn đầu tư phát triển ĐCT, nhà nước phải đi vay (vay nước ngoài hoặc vay trong nước thông qua phát hành phiếu chính phủ). Nhà nước không thể chỉ dựa vào nguồn thu thuế của dân hoặc nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ để phát triển ĐCT, bởi lẽ nguồn thu này không đủ để đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước còn phải thực hiện nhiệm vụ chi cho nhiều mục tiêu phát triển khác. Mặt khác, cũng không thể tăng thu phí bảo trì đường bộ để có nguồn vốn đầu tư vì sẽ quá sức dân, đồng thời cũng không công bằng, vì như vậy ai là chủ phương tiện cũng phải đóng khoản phí này, nhưng mức độ sử dụng ĐCT là rất khác nhau giữa các đối tượng người dân, doanh nghiệp (DN).

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Hiến 

Bên cạnh đó, đối với dự án ĐCT sử dụng nguồn vốn vay ODA nước ngoài, việc có thu phí sử dụng ĐCT sẽ dễ vận động tài trợ, vì nhiều nhà tài trợ quốc tế ưu tiên đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Do đó, có thể thấy giải pháp thu phí ĐCT gần như là sự lựa chọn bắt buộc nếu nhà nước muốn có một hệ thống ĐCT hiện đại, rộng khắp trong tương lai.

 

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh nếu triển khai thu phí sử dụng ĐCT, nhà nước cũng phải có các biện pháp nhằm đảm bảo công bằng theo cơ chế thị trường như việc đấu thầu thu phí dịch vụ ĐCT phải công khai, minh bạch; chọn nhà thầu phải có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý; việc sử dụng nguồn tiền thu được phải minh bạch, sử dụng đúng mục đích...; cũng như có những biện pháp nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng… để không gây nên những phản ứng không tốt trong xã hội.

 

* PV: Vậy nếu triển khai thu phí trên các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ mang lại những ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, việc triển khai thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước cũng như xã hội.

 

Thứ nhất, nhà nước sẽ có nguồn thu để tái đầu tư các dự án ĐCT khác, cũng như có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các phương tiện sử dụng ĐCT.

 

Thứ hai, góp phần thực hiện công bằng xã hội, theo đó, chủ phương tiện nào sử dụng chất lượng đường bộ tốt hơn sẽ phải trả chi phí cao hơn.

 

Thứ ba, nếu không thu phí ĐCT thì hầu như tất cả các phương tiện giao thông (trừ các phương tiện bị cấm lưu thông) sẽ chuyển qua đi ĐCT, thay vì các tuyến đường cũ, dẫn đến mật độ giao thông trên cao tốc quá cao, dễ gây ùn tắc và dễ xảy ra tai nạn giao thông trên cao tốc, từ đó sẽ làm mất đi tác dụng và ý nghĩa của ĐCT…

 

* PV: Thưa ông, hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đang dự thảo nghị quyết trên theo 2 phương án: Quy định thu phí dịch vụ sử dụng ĐCT thông qua trạm thu phí trên ĐCT do nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá (phương án 1) và quy định thu phí sử dụng ĐCT thu qua trạm thu phí trên ĐCT do nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về phí, lệ phí (phương án 2). Theo ông, đâu là phương án hợp lý hơn?

 

- Ông Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, lựa chọn phương án 1 hợp lý hơn. Bởi lẽ, nếu áp dụng theo phương án 2 thì theo quy định hiện hành trong Luật Phí và Lệ phí thì “mức thu phí chỉ nhằm cơ bản bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ”. Nếu thực hiện theo quy định này bắt buộc nhà nước phải đứng ra thu phí, chứ không thể giao cho các DN thực hiện vì họ sẽ không có lợi nhuận. Việc nhà nước trực tiếp đứng ra thu phí dịch vụ ĐCT sẽ có nhiều bất cập, không khả thi như bộ máy cồng kềnh, quản lý phức tạp và dễ phát sinh tiêu cực, hiệu quả thấp...

 

Bên cạnh đó, chưa kể có nhiều dự án đầu tư ĐCT (như cao tốc Bắc – Nam) có các đoạn, tuyến được đầu tư xen kẽ giữa DN ngoài nhà nước và nhà nước dẫn đến tình trạng chỗ thì thu theo giá dịch vụ, chỗ thì thu theo phí của Nhà nước rất lộn xộn và phức tạp. Mặt khác, đối với trường hợp dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), thì không thể vừa thu phí sử dụng ĐCT (hoàn phần vốn nhà nước đầu tư), vừa thu phí dịch vụ theo cơ chế giá (hoàn phần vốn DN đầu tư). Từ những phân tích trên cho thấy, việc lựa chọn phương án 1 là phù hợp hơn, bởi vừa đảm bảo công khai minh bạch, vừa đồng bộ với việc thu phí dịch vụ hoàn vốn đối với các dự án BOT.

 

* PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________