Điện tử hóa - “chìa khóa” hiện thực hóa hải quan số, hải quan thông minh


Hoạt động nghiệp vụ tự động hoàn toàn

Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đã được ban hành có định hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giai đoạn 2021 - 2030. Để hiện thực hóa hướng đi này, Tổng cục Hải quan xác định việc xây dựng mô hình hải quan thông minh gồm 5 đặc trưng cơ bản: quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, để thực hiện thành công hệ thống hải quan thông minh, việc rà soát, xây dựng yêu cầu bài toán nghiệp vụ quản lý hải quan trên hệ thống mới đã được Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung xây dựng và hoàn thiện các yêu cầu, bài toán nghiệp vụ thực hiện trên hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số.

Mô hình hải quan thông minh sẽ là giải pháp quan trọng trong tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Xây dựng mô hình hải quan thông minh nhằm đưa Hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hải quan hiện đại, vì vậy, đòi hỏi mô hình hải quan thông minh phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ; đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả; có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan; phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, các hoạt động nghiệp vụ được tự động hoàn toàn như: phân tích thông tin trọng điểm, xác định rủi ro, kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ phương tiện vận tải, phân luồng kiểm tra, quyết định thông quan, kiểm tra xác định số tiền thuế phải nộp, quản lý, theo dõi tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư trong quá trình sản xuất, gia công... Đây được xác định là yêu cầu nghiệp vụ cốt lõi của hệ thống.

Ứng dụng tối đa thành tựu công nghệ

Theo Tổng cục Hải quan, đơn vị sẽ nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata)… để phục vụ cho công tác trao đổi, chia sẽ thông tin, quản lý dữ liệu, tự động phân tích dữ liệu, hình ảnh và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng trong quá trình xây dựng mô hình.

Có thể mường tượng như sau: Việc quản lý biên giới thông minh sẽ tiến hành thông qua các mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của WCO. Từ đó, hạn chế sự tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu. Song song với đó là áp dụng các giải pháp công nghệ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiện đại phù hợp với đặc điểm khu vực cửa khẩu biên giới, có khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu tập trung, thống nhất.

Công nghệ quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO được áp dụng để đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo hàng hóa sử dụng đúng mục đích đã kê khai với cơ quan hải quan dựa trên nguyên tắc rủi ro, lấy phân tích dữ liệu làm nền tảng trên cơ sở ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt, mô hình này thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, có thể theo dõi được kết quả xử lý, cũng như cung cấp các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với đó là phát triển các công cụ, tiện ích có khả năng đo lường, giám sát và đánh giá hiệu quả trong việc thực thi công tác quản lý của các cơ quan nhà nước; chất lượng dịch vụ công; điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng thông qua việc đo thời gian thực hiện các công đoạn trong chuỗi cung úng.

Các công nghệ mới hiện đại cũng được áp dụng để hỗ trợ cơ quan hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước; trao đổi dữ liệu hải quan với các nước; tích hợp, kết nối thông tin từ các phương tiện hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về hải quan với toàn bộ hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Theo Thời Báo Tài Chính

G

PHÁP LÝ
1) NGUYỄN THANH TRỊ
0919.930.836
2) NGUYỄN THÙY TRƯNG
0919.600.836
3) NGUYỄN CÔNG TUẤN 
 0909.211.836
4) PHẠM THỊ THÚY KIỀU
 0909.921.836
5) NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ 
 0902.486.836
6) LÊ THỊ THANH HIỀN  
 0919 600 836
______________________
KẾ TOÁN THUẾ
1) NGUYỄN THỊ MỸ VUI
0909.1838.36
_______________________
HÓA ĐƠN, CKS
1) LÊ THỊ NGỌC HÂN
0919.941.836
______________________